Thương Hiệu Di Sản

Tin tức

Huy “bút chì” học làm… thương hiệu di sản

Con đường đầy thách thức, không biết điều gì đang chờ mình phía trước chưa bao giờ làm nản lòng chàng trai “không sợ cực khổ khó khăn, chỉ sợ mình trở nên vô dụng” này.

 

Nguyễn Tiến Huy, nhà sáng lập Pencil Network – một creative venture builder đầu tư khởi nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa sáng tạo như tiếp thị, thời trang, xuất bản, giải trí, bất ngờ thông báo bước chân vào lĩnh vực… di sản. Hóa ra mấy năm nay anh chàng con nhà nghèo tha hương học nghề này đã lặng lẽ đi tìm công thức “xây dựng thương hiệu trăm năm của Việt Nam”, bắt đầu bằng chiều sâu văn hóa.

 

Căn phòng phép thuật kiểu Harry Potter 

Tôi gặp Nguyễn Tiến Huy lần đầu trong cuộc họp ban cố vấn của Friends of Ireland – một sáng kiến kết nối Việt Nam và Ireland về giáo dục, kinh tế và công nghệ. Ấn tượng khi đến văn phòng của Pencil là nguồn năng lượng trẻ trung của những con người hai mươi mấy tuổi đang làm việc rất đông tại đây.

Huy mời mọi người vào phòng làm việc của mình, phía trước treo tấm bảng có dấu hiệu của… Harry Potter. Huy cười: “Tất cả các bạn ở đây, vào bất cứ lúc nào cũng có thể xông vào, hỏi bất kỳ câu hỏi nào hoặc đơn giản là ngồi xuống chiếc ghế kỳ diệu để cùng tôi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cho một việc gì đó mà bạn cần. Tố chất quan trọng nhất của con người Pencil là tò mò mà, nên ai cũng được quyền đặt mọi câu hỏi…”.

 

huy_but_chi_hoc_lam_thuong_hieu_di_san
Nguyễn Tiến Huy (bìa phải) tại sự kiện 22.7.2023 đại diện nhóm trình bày với lãnh đạo thành phố Đà Lạt, UNESCO tại Việt Nam, các doanh nghiệp, báo chí… về sáng kiến thành lập nhóm cộng đồng doanh nghiệp văn hóa sáng tạo tại Đà Lạt.

 

Ngồi một lát thì tôi nhớ ra trước đó mình từng “gặp” anh trong buổi thuyết trình các dự án sáng tạo của Hội đồng Anh tại Việt Nam, nơi mà Huy giới thiệu về Anna – một dự án sáng tạo nội dung giáo dục an toàn thân thể bảo vệ trẻ em trước các vấn nạn của xã hội. Hóa ra Huy có hai cô con gái nhỏ, và anh hiểu sự lo lắng của phụ huynh về những điều xấu có thể xảy đến cho các thiên thần của mình.

Chúng tôi chưa bắt đầu họp thì Huy lại thông báo sau một tiếng nữa sẽ có bạn Phúc, nhà sáng lập một trò chơi lịch sử, đến để chia sẻ về cách tìm ý tưởng, sáng tạo và làm ra một sản phẩm từ kho tàng văn hóa cổ truyền của Việt Nam, nếu họp xong sớm thì có thể tham gia cùng mọi người. Và một chuỗi sự kiện sau đó làm tôi có cảm giác mình đang sống trong một chiều không gian khác, thời gian trôi nhanh hơn và mình cứ liên tục di chuyển giữa những vũ trụ khác nhau với những câu chuyện kỳ lạ khác nhau.

 

“Hôm nay bạn có vui không?”

Lần thứ hai tôi đến văn phòng của Pencil là buổi gặp ông Justin Green – Chủ tịch Liên minh PR và Truyền thông toàn cầu. Huy tổ chức một cuộc gặp ấm cúng để trò chuyện cùng bạn bè thân hữu với câu chuyện “ngành sáng tạo Việt Nam có thể học gì từ các bài học thế giới”. Như một câu hỏi cơ bản nhất, Justin hỏi: “Tại sao lại đặt tên là Pencil?”. Huy hào hứng: “Vì bút chì là sáng tạo. Viết lách, vẽ vời gì từ bút chì cũng không sợ sai và giúp mình có thêm can đảm để thể hiện tối đa…”. Bất giác, tôi nhớ lại hình ảnh Huy đang leo lên lưng chừng đỉnh núi Everest thì lấy một mẩu than nhỏ, vẽ một thông điệp lên tảng đá để gửi về gia đình…

Sau đó chúng tôi đi… uống bia. Ngồi nghe cuộc đối thoại giữa một “cây đa cây đề” thế giới trong ngành và chàng bút chì còn trẻ măng quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ. “Tôi lớn lên bằng các bài hát ru truyền thống Bắc bộ của bà nội. Truyện Kiều, chuyện Thạch Sanh kiểu nói thơ truyền miệng thảy mình vào thế giới mộng mơ, và mớ sách truyện của một anh hàng xóm làm mình tin rằng phép mầu là có thật. May mắn lớn nhất là vì mẹ tôi tuy học không nhiều nhưng làm công việc phải tiếp xúc khách nước ngoài thường xuyên nên cho tôi học tiếng Anh từ nhỏ khi chưa mấy ai được tiếp xúc với cánh cổng thần kỳ này…” – thoáng một chút hồi ức của cậu bé nhà nghèo ở vùng quê Nam Định bên bờ sông Hồng. Có lẽ nguồn cảm hứng với văn hóa Việt khởi đầu từ những bài hát ru.

“Nếu bây giờ Huy có một tấm bảng quảng cáo siêu to khổng lồ ngoài đường để đăng một câu trích dẫn gì đó cho mọi người đi qua đi lại đều thấy thì Huy sẽ đăng câu gì?” – tôi đột nhiên hỏi. “Hôm nay bạn có vui không?”. Huy trả lời ngay và giải thích rằng bạn luôn muốn nhắc mọi người nhớ rằng mình cần yêu thương bản thân hơn…

 

huy_but_chi_hoc_lam_thuong_hieu_di_san_2
Nguyễn Tiến Huy chia sẻ tại hội nghị thương hiệu 2022 “Hành trình mới cho thương hiệu” do Forbes Việt Nam tổ chức.

 

Và những tự vấn về nghề 

20 tuổi, cậu sinh viên ngành điện máy Đại học Bách khoa TP.HCM đã mở Butchi Creative. Lý do là từ trải nghiệm đi làm thêm khi học cấp 3 ở trường chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), Huy làm việc ở một tiệm cà phê internet để được… truy cập internet miễn phí. Cậu học trò ngoài Bắc vào Nam, mở được cánh cổng thần kỳ internet đã làm web, viết những dòng code đầu tiên bằng tự học trên internet.

21 tuổi, Huy thức trọn 24 giờ để học cách tham dự một buổi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh, để rồi được bước chân vào xứ sở mộng mơ khác: một công ty làm các sản phẩm kỹ thuật số quốc tế. Con đường đầy thách thức, không biết điều gì đang chờ mình phía trước chưa bao giờ làm nản lòng chàng trai “không sợ cực khổ khó khăn, chỉ sợ mình trở nên vô dụng” này. Dần dà, anh là “giám đốc trải nghiệm – experience director” – một chức danh chưa từng có tại Việt Nam của một tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới. Và Huy… đụng trần ở vị trí này, loay hoay với câu hỏi: “Mình có vui không?”. Huy chọn bước chân ra khỏi vùng an toàn, dấn thân vào con đường khởi nghiệp.

“Suy cho cùng, làm sáng tạo, làm quảng cáo chính là đi bán hàng giúp người khác. Vậy nên trong những tháng ngày dịch Covid-19 ập tới, hầu hết những người làm nghề đều bật ra câu hỏi: chúng ta đang làm gì với cuộc sống của mình, điều gì là thực sự có ý nghĩa? Và nhiều người, rất nhiều người, đã rời khỏi ngành để đi tìm một con đường khác” – Huy, lúc đó là một “ngôi sao đang lên” trong ngành quảng cáo sáng tạo, đã phải đối diện với sự hóc búa của sứ mệnh công ty mình.

Huy đi dự một khóa thiền của Làng Mai, và tin rằng mình tìm được lời giải đáp từ thông điệp của thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tất cả chúng ta đều là sự kế thừa, và cần trao truyền những giá trị đã tích lũy cho thế hệ kế tiếp. Đầu óc Huy lặng lẽ kết nối những “điểm chạm cuộc đời” của mình thành một bức tranh mới: Làm thế nào để Pencil góp phần xây dựng câu chuyện thương hiệu trăm tuổi, tức là một thương hiệu được trao truyền tiếp nối của nhiều thế hệ doanh nhân Việt Nam? Khi Pencil được tham gia đóng góp vào các dự án truyền thông kỷ niệm 30 năm của nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam, một khách hàng có kế hoạch tái định vị thương hiệu cho giai đoạn mới đã nêu vấn đề: Hãy cùng nghĩ về tương lai thương hiệu trăm năm. Câu nói này thúc đẩy Huy và Pencil thực hiện một sáng kiến.

Và năm nay, Huy sáng lập “Trung tâm Phát triển Thương hiệu Di sản Việt Nam” (Vietnam Heritage Branding Center), với khát vọng đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam bằng các nghiên cứu, hoạt động đào tạo, tư vấn xây dựng các thương hiệu di sản sẽ bền vững trăm năm, góp phần mang thương hiệu quốc gia Việt Nam vươn lên tầm thế giới.

Nguồn: Tạp chí điện tử Người Đô Thị